Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Doanh nghiệp vừa đi vừa ngủ

Giữa những ngày hè nóng bỏng dường như ai cũng muốn chìm vào triền xanh của chốn quê thanh bình. Ở đó là những rặng tre đầy gió, là những mặt hồ ao lăn tăn gợn sóng. Có thể ta sẽ gặp được những con người hồn hậu vui tươi.


Thật may mắn khi nhiều lần cùng lũ trẻ câu cá bên con ngòi nhỏ nước trong veo ở quê nhà tôi gặp được ông, một thầy giáo già về hưu đã lâu, hiện sống yên phận cùng con cháu trong căn nhà ngói rêu phong. Ông giáo ngồi câu như ngồi thiền. Cảm giác như trí óc ông xa vời đâu đó, vậy mà rất tinh, khẽ cá động là ông biết ngay.
Ông bảo, phải rèn luyện công phu lắm thì các giác quan mới có thể nhạy cảm như vậy, tưởng như là ngủ đấy mà vẫn thức.
Từ chuyện đi câu đến những chuyện xung quanh cuộc sống, ông tâm sự về kinh nghiệm làm sao lấy lại cân bằng trong cuộc sinh nhai vốn vất vả, nhất là khi người trí thức lại thẳng thắn không chịu được những trò chướng tai gai mắt, nhiều khi gặp tai họa chỉ vì sự đố kỵ nhỏ nhen của thói đời.
Ông giáo cười khà khà rồi từ tốn buông câu. Dưới bóng tre, bên đồng ruộng, hình như mọi điều phiền nhiễu không chạm được đến ông thì phải.

Tôi lấy làm lạ rồi đưa ông xem hàng loạt những số báo gần đây đăng tải về hiện tượng trí thức bị bệnh tâm thần ngày càng nhiều do áp lực tâm lý trong công việc, trong cuộc sống. Ông thở dài rồi mời tôi về thăm nhà.

Ngắm những giá sách ngăn nắp không chút bụi thì biết chủ ngôi nhà là người ham đọc thế nào. Cuốn mới nhất đang đọc dở là bản dịch Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein.
Thật ngạc nhiên khi ông có một cuốn sổ ghi chép, thống kê về những vụ tai nạn giao thông xảy ra quanh vùng và được báo, đài nhắc đến. Ông bảo, ngày xưa các cụ vẫn dạy, phải sống thế nào đó để phòng được tai họa xảy đến, cuộc đời thanh bình là quý nhất, nhưng xem ra bây giờ, hễ ra đường tham gia giao thông thì không thể biết trước bất trắc sẽ đến lúc nào.
Đúng là thế, ai cũng cảm nhận thấy rất rõ điều đó mà không biết sẽ làm thế nào để tránh. Dòng chữ in nghiêng nhỏ của ông làm tôi chú ý “lái xe ngủ gật”.
Ông cho hay, phần nhiều những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong đêm mà ông tổng hợp trên báo chí là do người lái xe vừa đi vừa ngủ. Có thể lắm chứ. Sợ thật. Những giấc ngủ tai ương.

Những liên tưởng nối dài từ câu chuyện của ông đã làm những bà mẹ như tôi sực tỉnh. Chuyện hàng ngày sau giờ làm việc lại vội vã mua rau cỏ, thức ăn bán ngay chợ cóc ven đường cũng là một cách “vừa đi vừa ngủ” đối với sức khỏe của mình.
Thói quen mua hàng hóa theo ý thích của dân ta, không xem kỹ về nguồn gốc, chất lượng, thành phần, hay hiện trạng nơi sản xuất ra nó cũng là một kiểu “vừa đi vừa ngủ” trong hành trình sống, vô tình mang đủ thứ độc hại vào cơ thể. Rồi chuyện học, chuyện ăn, chuyện chơi... đầy rẫy những “vừa đi vừa ngủ”.

Tôi tìm thấy nhiều sách về nhà Phật trong giá sách của ông giáo. Tôi được ông tặng cuốn Trí huệ ngời sáng của Dalai Latma. Ông cười hiền hậu bảo, đọc cho tĩnh tâm để ngủ ngon, được ngủ một giấc ngủ an lành cũng là một hạnh phúc, con gái ạ.
Vâng, có lẽ vậy, những người trẻ như tôi sẽ chiêm nghiệm điều đó. Tôi cũng nhận ra những trăn trở của ông về thời cuộc, ông giáo chỉ sợ nhất, nếu giới trí thức không nghĩ cho đất nước, cho mai sau mà bị cuộc sống vật chất hay những vụn vặt khác đè nặng, nhỡ đâu lại “vừa đi vừa ngủ” thì nguy hiểm lắm...

MAI PHƯƠNG